Một Số Dữ Liệu Quan Trọng Của Tuần
Trường Hợp 1 : Thị Trường Gấu 🐻
Bitcoin: New Address Momentum
Biểu đồ trên đánh giá xu hướng của thị trường thông qua xu thế địa chỉ ví mới gia nhập thị trường ( những cây nến màu cam), được so sánh với xu hướng ngắn hạn (trung bình 30 ngày của số địa chỉ ví mới hay đường màu đỏ) và xu hướng dài hạn (trung bình 365 ngày của số địa chỉ ví mới hay đường màu xanh nước biển). Dựa vào dữ liệu tháng 11 năm 2018, khi xu hướng ngắn hạn tỏ ra yếu thế hơn xu hướng dài hạn tại thời điểm đó (Đường màu đỏ nằm dưới đường màu xanh) là tác nhân dẫn đến đợt bán tháo tài sản khiến BTC trượt giá từ $6,000 về $3,200. Ngược lại, khi xu hướng ngắn hạn bứt phá xu hướng dài hạn như trong tháng 1 năm 2019 (đường màu đỏ bứt phá và chạy phía trên đường màu xanh), chúng ta có thể thấy sự bùng nổ về số lượng địa chỉ ví mới hoạt động dẫn đến việc BTC tăng giá đột biến từ $4,000 lên đến $14,000.
Đối chiếu với thời điểm hiện tại, xu hướng ngắn hạn đã tiếp cận xu hướng dài hạn 2 lần vào hồi tháng 11/2021 và tháng 5/2022 nhưng thất bại trong việc bứt phá và gây ra sự biến động giá rất mạnh mỗi lần tiếp cận. Tính đến thời điểm hiện tại, xu hướng ngắn hạn lại một lần nữa dùng phép thử khi chuẩn bị giao nhau với xu hướng dài hạn cho thấy BTC sắp biến động lớn về giá sau chuỗi ngày dài chạy ngang.
Bitcoin: Non-Zero Balance Address Net Position Change
Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích địa chỉ ví có số dư khác 0 đang tồn tại trên thị trường. Dựa trên dữ liệu mùa thị trường gấu năm 2018, sau một quãng thời gian thị trường tăng trưởng và kèm theo đó là số lượng địa chỉ ví có số dư khác 0 tăng lên nhanh chóng thì đầu năm 2018 đã có một cú sập giá khiến hàng loạt địa chỉ ví rút hết tiền ra khiến số lượng địa chỉ ví có số dư khác 0 lao dốc không phanh. Khi số lượng địa chỉ ví chạy ngang vào năm 2018-2019, ta có thể thấy thị trường lao dốc hai cú trượt giá nhỏ trước khi có một cú sập giá reset thị trường trước khi vào chu kỳ mới sau quãng thời gian địa chỉ ví chạy ngang.
Hiện tại, số lượng địa chỉ ví này đã có dấu hiệu chững lại và có xu hướng bước vào thời kỳ chạy ngang, một dấu hiệu rất tương đồng với giai đoạn năm 2018 mà chúng ta phân tích phía trên. Kết hợp với biểu đồ số lượng ví mới tham gia thị trường ở trên, ta có thể kết luận mặc dù mỗi tháng có bình quân 400 nghin địa chỉ ví mới tham gia, số lượng địa chỉ ví rút hết tiền và rời khỏi thị trường đang tỏ ra nhỉnh hơn và dẫn đến việc số lượng địa chỉ ví có số dư khác 0 có xu hướng suy giảm dần. Hai biểu đồ kết hợp lại để đưa ra khả năng thị trường sẽ có một cú sập giá rất mạnh nếu số lượng địa chỉ ví khác 0 có chạy ngang hoặc giảm trong tương lai.
Bitcoin: Total Transfer Volume (Change-Adjusted) [USD] (7d EMA)
Biểu đồ này sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn từ khía cạnh khối lượng giao dịch trung bình hàng tuần của BTC dưới giá trị USD. Hiện tại, khối lượng giao dịch đang ngày càng giảm xuống mức gần chạm đường mức thấp trong chu kỳ, $19.2 tỷ USD/ ngày (đường màu xanh dương ngắt quãng). Khối lượng giao dịch hiện tại chỉ cao hơn được 2 chu kỳ tháng 12/2017-Tháng 1/2018 và tháng 5/2021 – tháng 7/2021. Điều này chỉ ra mức độ tẻ nhạt đến đáng sợ của mạng lưới Bitcoin thông qua những con số “chết lặng” của hoạt động On-Chain.
Theo biểu đồ, mỗi khi khối lượng giao dịch tiếp xúc với đường chu kỳ thấp, BTC sẽ có một đợt sụt giảm giá đáng chú ý. Xét theo vị trí hiện tại của khối lượng giao dịch (ô tròn màu xanh), liệu phía trước chúng ta có phải một vực sâu khiến các nhà đầu tư càng thêm tuyệt vọng?
Bitcoin: Difficulty Regression Model
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với một biểu đồ phản ánh chi phí vận hành trung bình để đào ra một Bitcoin. Thị trường thợ đào đang là một trong những tâm điểm gần đây, với việc chỉ số Hashrate và độ khó trung bình đạt liên tục đạt mức cao nhất mọi thời đại. Điều này làm tăng chi phí đào Bitcoin trong bối cảnh thu nhập từ mỗi lần hash đang giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Ở thời điểm bài viết này, chi phí đào Bitcoin đang ở mức $19.3k, trùng với giá BTC ở thời điểm này. So sánh với mùa downtrend 2018, khi giá BTC đang ở xu hướng giảm dần và giao với giá BTC thì sẽ có một đợt trượt giá mạnh mẽ và sau đó chi phí đào BTC sẽ lớn hơn giá BTC kéo dài trong vài tháng dẫn đến sự đầu cơ BTC đến từ phe thợ đào.
Nhìn chung, nhu cầu mua BTC là rất yếu và mờ nhạt được phản ánh qua hoạt động On-Chain, và phe thợ đào đang ở tình trạng thực sự căng thẳng khi đang không thể sinh lời nhờ vào hoạt động đào BTC.
Trường Hợp 2: Thị Trường Bò🐂
Sự Cạn Kiệt BTC trên các sàn giao dịch
Biểu đồ trên thể hiện việc phân phối (bán) hay tích lũy (mua) BTC của các nhóm địa chỉ nắm giữ số lượng BTC khác nhau. Sự tích lũy càng nhiều sẽ tạo ra vùng màu xanh trên biểu đồ (gần với giá trị 1) và sự phân phối càng nhiều sẽ tạo ra vùng màu đỏ (gần với giá trị 0).
Mặc dù hoạt động On-Chain có phần ảm đạm trên thị trường, chúng ta vẫn có thể thấy rõ sự thay đổi về hành vi của từng nhóm nhà đầu tư trên thị trường đang chuyển đổi dần trong tháng 10 này (bắt đầu từ đường kẻ đứt quãng). Hầu hết nhóm nhà đầu tư nắm giữ dưới 10,000 BTC đều có động thái gom BTC ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ nhóm nhà đầu tư nắm giữ 1-10 BTC vẫn đang có động thái bán ra BTC. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư nắm giữ hơn 10,000 BTC – nhóm nhà đầu tư được cho là thông minh nhất trên thị trường – vẫn có động thái xả hàng mạnh khi thị trường đang dần có thanh khoản. Kết hợp với việc địa chỉ ví nắm giữ số lượng BTC hơn 1k và 10k tăng ở phần trước, đây có vẻ là một dấu hiệu thị trường đang dần có nhiều nhà đầu tư tin rằng giá đã chạm đáy và bắt đầu có dấu hiệu tích cực trong việc lưu trữ BTC.
Bitcoin: URPD By Short and Long-Term Holders
Biểu đồ trên phản ánh giá trị thực mà các UTXO được tạo ra và phân phối. Biểu đồ được chia ra làm 3 phe bao gồm: người nắm giữ ngắn hạn (STH, 🔴), người nắm giữ dài hạn (LTH, 🔵) và sàn giao dịch nắm giữ (màu xám). Chúng ta có thể thấy số lượng BTC được sang tay là rất lớn ở vùng giá từ $18k-$20k, đóng vai trò thể hiện vùng hỗ trợ ở khoảng giá này là rất mạnh.
Chúng ta có thể thấy “khoảng trống” rất lớn ở vùng $12k-$18k khi mà số lượng BTC được mua ở giá này là rất ít. Điều này cho thấy nếu phe bò để tụt điểm mấu chốt ở mức $18k, BTC có thể sẽ biến động mạnh và rơi tự do.
Ngoài ra, có một lượng rất lớn BTC được giữ bởi LTH ở vùng giá hơn $30k và nhóm đầu tư này đã được chứng minh là ít nhạy cảm với thay đổi giá nhất trên thị trường. Vì vậy, nếu BTC có một đợt tăng giá thì khả năng nhóm đầu tư này cắt lỗ là không cao và góp phần giảm thiểu rào cản cho sự tăng giá của BTC.
Stablecoin: Exchange Buying Power Net Position Change
Để củng cố quan điểm về thị trường đang có dấu hiệu tăng giá trở lại, chúng ta sẽ đến với biểu đồ thể hiện sự thay đổi vị thế của sức mua trên các sàn giao dịch đối với Stablecoin. Một quan sát khác liên quan đến các sàn giao dịch là số dư giữa dòng tiền ròng trung bình 30 ngày của hai tài sản chính, BTC và ETH, so với dòng tiền ròng trung bình 30 ngày của bốn loại tiền ổn định lớn nhất USDT, USDC, BUSD và DAI.
Chỉ số này bao gồm hai thành phần:
- Những cột màu cam 🟠 sẽ xuất hiện khi dòng tiền ròng từ BTC và ETH vào các sàn giao dịch là dương (Tiền bơm vào > Tiền rút ra)
- Vị thế thay đổi chuyển màu xanh 🟢 khi dòng stablecoin vào sàn giao dịch lớn hơn giá trị USD của BTC và ETH và ngược lại sẽ chuyển màu đỏ 🔴 khi giá trị USD của BTC và ETH chảy vào nhiều hơn stablecoin.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng dòng tiền ròng trung bình 30 ngày của BTC và ETH đang được rút ra khỏi sàn và đồng thời, lượng stablecoin vượt quá 3 tỷ đô la / tháng đã chảy vào các sàn giao dịch, làm tăng sức mua trong những ngày gần đây.
Dự trữ USD ngày càng tăng, trong khi số BTC trên sàn đang có xu hướng giảm, sẽ là tiền đề cho dự đoán về một làn sóng phục hồi giá BTC trong tương lai gần
Hodlers Vẫn Tiếp Tục Hold
Tiếp đến, chúng ta sẽ phân tích biểu đồ phản ánh vốn hóa thị trường Bitcoin phân bổ theo độ tuổi của coin. Trên biểu đồ, những miền từ màu đỏ đến màu cam thể hiện số lượng vốn hóa thị trường Bitcoin đang được nắm giữ bởi nhà đầu tư mua Bitcoin dưới 3 tháng tuổi.
Với dòng tiền chảy vào các sàn giao dịch có xu hướng tăng hướng như đã phân tích phía trên,chúng ta có thể đánh giá liệu có bất kỳ sự mất tin tưởng nào giữa những người nắm giữ dài hạn hiện tại hay không.
Tổng tài sản USD được giữ bằng BTC, được định giá tại thời điểm giao dịch cuối cùng của mỗi đồng tiền, hiện đang nghiêng về những người nắm giữ dài hạn. Tỷ lệ vốn hóa của những đồng Bitcoin di chuyển trong 3 tháng qua hiện đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Quan sát đối ứng là sự gia tăng vốn hóa bởi các đồng tiền nhiều hơn 3 tháng tuổi (ngày càng được nắm giữ nhiều hơn bởi các HODLer) hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Điều này cho thấy các nhóm đầu tư đang dần trở nên mẫn cảm với biến động giá cả ở thị trường hiện tại và làm giảm tỷ lệ rủi ro về việc bán tháo khi BTC tăng giá. Đây là một dấu hiệu tích cực khi rủi ro về mặt rào cản cho việc giá BTC phục hồi đang ngày càng thấp dần.
Tổng Kết
Trong tuần này, chúng ta đã phân tích qua cả hai trường hợp thị trường bò và gấu dựa trên lịch sử của Bitcoin trong tình cảnh biến động giá ở mức thấp. Với một động thái bùng nổ dường như sắp xảy ra trong thời gian tới, chúng ta có thể sử dụng phân tích On-Chain để đánh giá sự cân bằng giữa cung và cầu.
Trường hợp thị trường gấu là một khuynh hướng có thể xảy ra theo chiều hướng mọi hoạt động On-Chain đang ở mức ảm đạm cộng với việc phe thợ đào đang ở giai đoạn đỉnh điểm của sự căng thẳng.
Trường hợp thị trường bò dựa trên góc nhìn On-Chain về hành vi và tâm lý của nhà đầu tư, khi đang ở trong tình cảnh BTC đang được rút ra dần khỏi sàn giao dịch về ví cá nhân đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Mặc dù những con số còn là tương đối nhỏ, niềm tin vào việc giữ Bitcoin dài hạn của những nhà đầu tư đang không hề bị lung lay, và số dư Bitcoin trong ví của họ đang tiếp tục tăng lên.